Nếu nói về món gỏi, suốt chiều dài mảnh đất chữ S thì cơ man nào mà kể, dễ có đến hàng trăm loại.
Có lần, cô bạn quê ở Nghệ An đãi tôi một món gỏi làm từ con ruốc khô, ăn miếng đầu tiên đã thấy ngon rụng rời. Hỏi “mi làm răng mà làm ngon dữ rứa?”, hắn nói: “Có chi mô, toàn nguyên liệu rẻ tiền thôi đó”.
Ờ, quả vậy, hắn lấy một nhúm con ruốc khô xào với hành khô phi và chút dầu ăn, rưới tí nước mắm và thêm chút đường cho cân bằng mặn ngọt, rồi để nguội. Sau đó, hắn xắt mấy lát chuối chát và vài miếng khế chua; rau thơm có vài lá răm, vài lá ngò gai (mùi tàu), thái nhỏ. Nước trộn gỏi gồm tí nước mắm, chanh, đường, ớt..
Nếm miếng đầu tiên, vị chua, cay, chát, ngọt, mặn hòa quyện vào nhau, không cầm lòng đặng phải gắp nữa, gắp nữa. Trong “rừng” mùi vị ấy, nổi bật nhất là vị ngọt thơm đặc trưng của con ruốc khô |
Chỉ có thế, tất cả đem trộn đều lên, khi đang trộn đã nghe mùi thơm phức, một mùi thơm tổng hợp từ rất nhiều mùi thơm nên rất khó để tả.
Nếm miếng đầu tiên, vị chua, cay, chát, ngọt, mặn hòa quyện vào nhau, không cầm lòng đặng phải gắp nữa, gắp nữa. Trong “rừng” mùi vị ấy, nổi bật nhất là vị ngọt thơm đặc trưng của con ruốc khô. Cái con ruốc bé tí teo của biển cả, chẳng phải là sơn hào hải vị như tôm, cua, ốc, cá, vậy mà chở nặng đầy đủ sự mặn mà, đằm thắm của biển khơi.
Tôi từng ăn gỏi ruốc với xoài xanh, cũng chí lí lắm nhưng nghe ra không đầy đủ vị như món gỏi chuối chát, khế chua này.
Ở Sài Gòn, chỉ có nhúm ruốc trong bịch bánh tráng trộn đã có thể làm gục ngã bất cứ ai thử món này. Món xôi mặn mà thiếu muỗng ruốc coi như thiếu vị hẳn. Nghe nói, có bà bán bún riêu còn cho ruốc vào nồi nước lèo để tăng phần đậm đà.
Nhưng thôi, làm chi cho phức tạp, cứ làm gỏi như cách của cô bạn tôi, đảm bảo bữa tiệc khai vị dù có bia rượu hay không thì cũng làm người ta mỏi tay gắp.
0 nhận xét :
Post a Comment