Cá ngựa là tên gọi thuần Việt, còn tên “thương mại” là hải mã, thủy mã - một loài thủy sản hiền lành sống ẩn núp theo các rặng san hô, rong tảo dưới đáy biển. Trước đây ngư dân xem con cá ngựa như các loại cá biển bình thường khác, đánh bắt được mang ra chợ bán như tôm tép.
Thời đó cá ngựa giá rẻ như bèo vì nhiều quá chẳng biết làm gì, thậm chí chiên ăn cơm hoài cũng ngán nên phơi khô… làm phân bón dưa hấu.
Cá ngựa lên ngôi thành “sung dược”
Đùng một cái, có tin đồn thổi cá ngựa là “sung dược”, phơi khô sao vàng ngâm rượu uống bổ gân cốt, cải thiện bản lãnh đàn ông. Cá ngựa tươi mới bắt từ biển lên con nào có trứng thảy luôn vô bình rượu càng cực kỳ tốt, uống vài ly… ông nào yếu bóng vía “sửng cồ” lên ngay, quậy bà xã tới bến. Lời đồn thổi này không biết căn cứ vào “dược điển” hay lời phán của “ông thầy” nào nhưng lập tức đã làm đổi đời con cá ngựa, từ chỗ bị ngư dân xem như cá, tép bình thường đã trở thành đặc sản, giá tăng vùn vụt.
Thế là loài thủy sản hiền lành chẳng ai quan tâm bỗng bị ngư dân lùng bắt đêm ngày, truy đuổi ráo riết đến không kịp sinh sôi nẩy nở nên bây giờ con cá ngựa trở thành của quý hiếm, giá ngót ngét 10 triệu đồng 1kg tùy theo thời điểm.
Không biết theo quy luật tự nhiên nào, nhưng quê hương của loài cá ngựa được cho là tại vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang. Theo những lão ngư dân cố cựu thì tại vùng biển phía tây Tổ quốc không chỉ cá ngựa hằng hà sa số mà còn là… mỏ cá ngựa để dân đi biển mặc sức khai thác. Nhưng ngày xưa chẳng ngư dân nào quan tâm đánh bắt cá ngựa vì loài cá này nhỏ con, lớn hết cỡ chỉ bằng ngón chân cái, da cứng, sần sùi, thô ráp, có loại lại có gai. Chế biến làm món ăn để ăn với cơm mỗi bữa cũng chẳng ngon lành gì so với các loại cá biển khác.
Ngày xưa cá ngựa chỉ để làm phân
Bởi thế khi ngư dân kéo mẻ lưới nào từ biển lên, gặp cá ngựa nhiều hơn cá khác thì rầu thúi ruột hơn vui, bởi lần ra khơi đó coi như thất thu. Lũ cá ngựa loi choi này mang về đất liền không biết bán cho ai, giá rẻ như bèo mà cũng ít người mua, chỉ để phơi khô làm phân bón bầu bí, dưa hấu mà phân cá ngựa cũng chẳng tốt bằng phân… cá kèo hay tôm tép vì ở dạng khô, cá ngựa rất cứng, khó phân hủy.
Nói tóm lại, ngày xưa cá ngựa ở vùng biển Phú Quốc hay một vài vùng biển khác như Bình Đại, Thạnh Phú, Cà Mau… rất nhiều . Người ta mang ra chợ bán sau mỗi chuyến đi biển từ thúng này đến thúng khác đầy ắp lũ cá ngựa vô dụng đủ thứ chủng loại, sắc màu từ không gai đến có gai, từ màu trắng, màu vàng cam đến màu đen. Giá cá ngựa rẻ hơn tôm, tép, thậm chí còn thua cả cá lòng tong là loại cá mạt hạng trong các loài cá, vì cá lòng tong kho tiêu ăn hơi bị hao cơm, còn cá ngựa kho tiêu cắn hơi bị… hao răng vì nó quá cứng.
Cũng chẳng ai nhớ chính xác vào thời điểm nào, nhưng tại các chợ lớn nhỏ ở thị trấn: Dương Đông, An Thới xã Hàm Ninh từ năm 2002 con cá ngựa đã lên hàng đặc sản. Du khách dạo chợ tham quan các hàng cá khô sẽ thấy cá ngựa phơi khô được bày bán ở vị trí trung tâm của quầy, sạp và được nâng cấp lên hàng đặc sản quý hiếm.
0 nhận xét :
Post a Comment