Nuôi thành công cá chiên tại Sơn La

Câu chuyện  nuôi  cá chiên  tưởng chừng khó thì nay đã thực hiện thành công trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Nuôi thành công cá chiên tại Sơn La
Cá chiên, loài cá được mệnh danh là chúa tể lòng sông Đà vì bản tính hung dữ và có trọng lượng trưởng thành lên tới 70kg, đây còn là loài cá thuộc nhóm “tứ quý”, vào thời phong kiến, loài cá này thường được dùng để tiến vua.

Chúng tôi  có mặt tại Trại cá Sa Thư ngay trên lòng hồ thủy điện Sơn La, dưới khu vực cầu Pá Uôn, xã Mường Giàng, Quỳnh Nhai, Sơn La.

Điều khá bất ngờ bởi người  nuôi  thành  công  loài cá được mệnh danh là “thủy quái” này lại là “dân ngoại đạo của ngành thủy sản”. Ông tên là Lường Văn Ngoa, nguyên cán bộ ngành xây dựng.

Trại cá của ông Ngoa nằm giữa lòng hồ của bản Pá Uôn. Với quy mô 16 lồng, ngoài việc cung cấp cá thịt các loại ra thị trường, trại cá còn là nơi chuyên cung ứng cá giống, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật  nuôi cho người dân  trong vùng.

Ông Lường Văn Ngoa - Giám đốc Công ty TNHH Sa Thư, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: "Thứ nhất là nó ăn ít, hai ngày mới cho nó ăn 1 lần, ăn đáy, mặc dù không nhìn thấy nó. Với lại so với loại cá khác thì nó ít bệnh dịch hơn, bên cạnh đây tôi nuôi cá nheo thì cá nhiều bệnh hơn, cũng cùng 1 môi trường này".

Với lượng cá giống ban đầu trọng lượng mỗi con từ 50gam - 100gam, mỗi lồng thả 200 cá giống; sau 1 năm đã đạt trọng lượng trung  bình 2kg mỗi con, tỷ lệ sống đạt 95%.

Giá bán tại lồng dao động từ 430.000 đồng đến 450.000 đồng/kg, còn ngoài thị trường là 600.000 đồng/kg.

Hiện tại, lứa cá này đã đạt trọng lượng trên 2kg mỗi con và   đã được các nhà hàng đặt hàng sẵn từ trước.  

Ông Lường Văn Ngoa nói: "Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn giống, chúng tôi phải đi mua gom. Vì thế tôi chỉ mong muốn là làm sao để kỹ thuật thủy sản có thể sản xuất được giống cá chiên này mới có thể nhân rộng được mô hình này".

Kỹ sư Ngô Văn Trường - Công ty TNHH Sa Thư, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: "Ở đây có lợi thế là lòng hồ rộng và tiềm năng phát triển rất lớn, nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm do nhà máy hay khu dân cư thải ra. Nuôi cá chiên này mình vẫn phải phòng bệnh định kỳ, 20 ngày mình cho nó ăn thuốc 1 lần".

Với tiềm năng diện tích mặt hồ thủy điện Sơn La rộng lớn tới hơn 20 nghìn ha, thì việc khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng nuôi trồng thủy sản, trong đó có con cá chiên là hướng đi đúng. 

Trong tự nhiên thì cá chiên đang ngày càng trở nên khan hiếm. Chính vì vậy, để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La nói chung và nghề nuôi cá chiên nói riêng thì rất cần có sự nghiên cứu, định hướng và quy hoạch, để giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo và phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Nuôi thành công loài "thủy quái" của sông Đà.


    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment