Câu cá ngừ: Điều không thể chuyển giao

Vấn đề không phải ở tập quán đánh bắt, trang thiết bị, tàu thuyền của ngư dân Việt, mà ở công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Điều không thể chuyển giao trong công nghệ câu cá ngừ kiểu Nhật
Đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản chưa thực sự hiệu quả

Vấn đề ở cách bảo quản

Xung quanh vấn đề triển khai chương trình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản đang được triển khai tại Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên. Sau thời gian đánh bắt với những công nghệ mới, cách làm mới, hiệu quả chưa thực sự đáng kể.

Trao đổi với ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch hội nghề cá Khánh Hòa, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch hội nghề cá Việt Nam chiều ngày 18/3, ông đã chỉ ra mấu chốt khiến chương trình thất bại.

Theo ông Võ Thiên Lăng, hiện tại mới có tỉnh Bình Định triển khai mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương kiểu Nhật Bản, còn Khánh Hòa đang triển khai một mô hình mới và chưa tiết lộ chi tiết chương trình cũng như kết quả.

Ông Võ Thiên Lăng cho biết: "Vấn đề câu cá ngừ không đạt được hiệu quả như mong muốn không phải do tàu bè, trang thiết bị, mà quan trọng là khâu bảo quản sau thu hoạch. Đây cũng chính là vấn đề cốt lõi để giải bài toán nghề cá của Việt Nam nói chung, chứ không phải một nghề cá ngừ nói riêng.

Dù cho tàu bè có hiện đại, máy móc trên tàu hiện đại đi chăng nữa nhưng công nghệ bảo quản mà ngư dân sử dụng chưa có gì đột phá, dẫn đến chất lượng của sản phẩm không có bước chuyển biến rõ rệt."

Ông Lăng phân tích thêm: "Một con cá 70 - 80kg, nhưng vẫn được bảo quản theo cách cổ điển truyền thống là sau khi cá được câu lên, đưa vào khoang lạnh với đá xay. Đường kính thân của cá lớn, bảo quản như vậy không thể cho chất lượng cao được."

Theo Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ngành khai thác hải sản đang chú ý đến việc nâng cấp tàu thuyền, trang thiết bị đi biển cho ngư dân, nhưng quên mất rằng điều quan trọng nhất là làm thế nào để con cá giữ được chất lượng tươi mới sau chuyến đi biển có khi kéo dài hàng chục ngày.

"Bảo quản chất lượng là khâu yếu kém nhất nhưng chưa được chú ý cụ thể." - Ông Lăng nhận định.

Được biết, cũng trong năm 2014, công ty Yanmar của Nhật đã hợp tác với Đại học Nha Trang đóng một con tàu bằng chất liệu composite với 100% công nghệ, trang thiết bị Nhật Bản. Sau một thời gian huấn luyện ngư dân theo đúng kỹ năng của Nhật, tàu đã có chuyến ra khơi đầu tiên.

Ông Võ Thiên Lăng cho biết: "Với chuyến ra khơi trước Tết Nguyên đán, con tàu này mang về 9 con cá ngừ, nhưng công nghệ bảo quản cũng chẳng có gì ghê gớm."
Điều không thể chuyển giao trong công nghệ câu cá ngừ kiểu Nhật
Cá ngừ đại dương được câu lên vẫn chỉ bảo quản bằng những phương pháp lạc hậu
Ngoài ra, cách đánh bắt mà Yanmar mang tới Việt Nam cũng không phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân Việt, để thay đổi trong một sớm một chiều là không thể được. Đồng thời còn rất nhiều yếu tố liên quan đến luồng cá, khí hậu, điều kiện dòng nước của Việt Nam và Nhật Bản khác nhau.

Ông Võ Thiên Lăng nhận định: "Hiện tại Khánh Hòa không bàn nhiều đến vấn đề tàu bè phương tiện đánh bắt, những con tàu của ngư dân đang sử dụng hoàn toàn có điều kiện để đánh cá ngừ đại dương.

Tuy nhiên chúng tôi đang triển khai thí điểm một công nghệ hiện đại nhất mà thế giới đang làm để bảo quản chất lượng sản phẩm sau khi thu hoạch. Sắp tới tàu về chúng tôi sẽ công bố kết quả thu được."

Điều quan trọng là chất lượng ngư dân

Có thể thấy rằng xung quanh câu chuyện về công nghệ Nhật được áp dụng để người Việt đánh cá nói trên, đã có rất nhiều những lời bình luận qua lại của các bên liên quan.

Ngư dân La Tình, người sở hữu 4 trong 5 con tàu đầu tiên tham gia chương trình chỉ trích cán bộ của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định dạy sai:

"Ví dụ, về kỹ thuật muối cá, người Nhật chỉ cách khác với bên Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định. Theo hướng dẫn của Nhật Bản, cá sau khi vệ sinh xong thì ngâm nước muối ở nhiệt độ -27 độ C, sau đó đưa xuống hầm ngâm ở mức -18 độ C, rồi tăng lên mức -5 độ C, 0 độ C. Trong khi đó, cán bộ bên chi cục hướng dẫn chỉ đưa xuống một giai đoạn. Nghĩa là sau khi kéo cá lên làm vệ sinh, chọc tủy, làm mang, mổ nội tạng sạch sẽ rồi đưa xuống hầm bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C. Chất lượng cá sau đó lại bị Nhật chê. Giờ các anh ấy đã nói lại rồi".

Còn ông Nguyễn Văn Do, Trưởng phòng Cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho rằng các cán bộ được cử đi học ở Nhật Bản đều là lực lượng nòng cốt.

Còn ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam phân tích có phần quy kết trách nhiệm với ngư dân: "Ngư dân Việt học lỏm thì nhanh nhưng để học một cách bài bản, đi sâu về mặt kỹ thuật là họ chưa làm được. Thời gian qua, cách làm ở Bình Định là chỉ mua thiết bị về rồi đưa cán bộ kỹ thuật xuống tàu của ngư dân, quan sát chứ không trực tiếp làm cùng."

Trong khi đó, ông Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học biển TP Hồ Chí Minh nhận định: “Mỗi một vùng biển, một quốc gia đều có đặc thù ngư trường riêng và không thể áp dụng một cách máy móc. Người Nhật có thiện chí chia sẻ công nghệ, nhưng tập quán đánh bắt của họ không phù hợp với vùng biển Việt Nam, và cũng không có những chương trình nghiên cứu hiệu quả để tùy chỉnh cách đánh bắt nên chưa thể thành công là điều dễ hiểu"

Theo ông Đỗ Thái Bình, điều quan trọng ở đây không phải là chạy đua công nghệ theo kiểu con tàu nào hiện đại, trang thiết bị hiện đại, bảo quản hiện đại… thì đưa về cho ngư dân sử dụng.
Điều không thể chuyển giao trong công nghệ câu cá ngừ kiểu Nhật
Chất lượng ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương mới là công nghệ cao nhất của Nhật Bản
Quan trọng hơn là các cấp quản lý cần phải nắm được tập quán đánh bắt của ngư dân, và nghiên cứu công nghệ nào sao cho thực sự hiệu quả. Để làm được điều ấy cần phải có một đội ngũ sâu sát với ngư dân, và quan trọng là có kiến thức.

Để có đội ngũ này thì có thể sử dụng ngay hàng loạt các kỹ sư, cử nhân chuyên ngành thủy, hải sản mỗi năm được đào tạo ra trường. Họ sẽ đi cùng ngư dân đánh bắt trên những con tàu để hiểu ngư dân, và từ đó cử đi tập huấn với công nghệ nước ngoài sao cho phù hợp.

Làm được điều đó là một quá trình dài hơi, nhưng sẽ không bao giờ đến đích nếu không đi từng bước nhỏ. Đó mới là cách sử dụng nguồn trí thức hiệu quả, không công nghệ nào, không đầu tư nào bằng đầu tư con người. Thực tế thì đầu tư vào yếu tố chất lượng con người mới là công nghệ cao nhất của Nhật Bản, nhưng rất tiếc họ không chuyển giao được điều đó.” – Ông Bình nhận định.

Cận cảnh Câu cá ngừ đại dương


    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment