Bún hải sản đã thực sự trở thành cơn sốt tại Hà Nội vài tháng trở lại đây. Những ngày vào đông, món ăn này càng thu hút người Hà thành.
Chỉ mới xuất hiện, song vị thanh, cay, chua của bún bề bề nhanh chóng chiếm được cảm tình của thực khách Hà Nội. |
Người Hà Nội từ lâu vốn quen với phở, bún riêu, bún chả truyền thống, nay thích thú làm quen với một thứ bún khá lạ: bún ăn kèm hải sản, nước dùng đủ các vị chua cay, mặn ngọt. Mới xuất hiện tại Hà Nội khoảng nửa năm trở lại đây, nhưng bún hải sản dường như đang "xếp hàng" sau phở và bún chả, dần dần "đánh chiếm" trái tim người Thủ đô sành ăn.
Bề bề to và chắc thịt, đầu bếp khéo léo tách hết phần vỏ, chỉ để lại phần thịt núc ních ngọt lịm. |
Một tô bún đầy đặn tổng hòa của các loại hải sản như tôm, mực, bề bề, có nơi còn có càng cua, càng ghẹ..., được chế biến theo mùi vị chua cay, tưởng là rất khó để các thực khách khó tính đất kinh kỳ đón nhận và "chấp nhận" lâu dài như phở truyền thống. Nhưng thật lạ, là bằng một cách nào đó, ví dụ như đầu tư công sức nghiên cứu khẩu vị người Hà Nội chẳng hạn, người ta đang "phát sốt" với món ăn này. Thậm chí, còn nhẫn nại xếp hàng để chờ thưởng thức bằng được bát bún mà giới trẻ hay đùa nhau: "trong truyền thuyết"!
Cảnh xếp hàng tưởng chừng chỉ có phở cổ truyền Bát Đàn, thì bây giờ, thực khách - phần đông là dân công sở cũng nhẫn nại chẳng kém để chờ đến lượt thưởng thức bún hải sản. Khoảng 12h trưa, đi qua phố Quang Trung cứ tưởng có chương trình khuyến mại nào đang "dồn dập" ở đoạn phố này. Hóa ra, các thực khách đang đứng, ngồi chờ đến lượt vào... ăn bún hải sản ở một quán có cái tên ngồ ngộ. Gương mặt họ chẳng có nét cáu kỉnh, sốt sắng gì. Ai nấy kiên nhẫn ngồi chờ trên chiếc ghế chủ quán đặt sẵn vì biết trưa nào khách của mình cũng phải chờ đợi. Mới mở được chừng 1 tháng, nhưng đông phải biết.
Bún hải sản ở đây không theo vị Tom-yum Thái Lan như các hàng khác. Mà lạ ở chỗ, bún có vị nước kim chi của xứ Hàn: cũng chua ngọt, nhưng bên cạnh là vị cay tê tê đầu lưỡi của kim chi muối, vị thơm nồng của sả. Có lẽ, kim chi và sả trong bát bún đã lọc luôn vị tanh của những tôm, những bề bề và càng cua càng ghẹ kia. Bề bề to và chắc thịt, đầu bếp khéo léo tách hết phần vỏ, chỉ để lại phần thịt núc ních ngọt lịm.
Càng cua, ghẹ biển đập vỏ, thịt chắc, hòa lẫn với mực thái dày bản giòn tan và tôm hấp đỏ au đã tạo thành nét khác biệt khá quyến rũ. Nước dùng ở đây còn đậm và sánh, đánh đúng tâm lý của các thực khách sành ăn Hà Nội: sợ nhất thứ gì nhạt nhẽo, cho thêm gia vị thì thành lợ mà để nguyên thì chẳng đọng chút gì trên đầu lưỡi. Chỉ có điều, khách nào không ăn được cay sẽ xuýt xoa vì vị cay chắc phải một lúc mới tan ra trong miệng. Chủ quán chia sẻ, vào những ngày biển động vì bão, không nhập được hải sản tươi nên đành phải cáo lỗi với khách hàng chứ nhất quyết không bán hải sản đông lạnh, vị sẽ rất tanh.
Càng về trưa, dân công sở càng đổ về đông, nhẫn nại xếp hàng ngồi chờ đến lượt, không một cái nhăn mặt hay kêu ca vì phải chờ. Một thực khách đang nhẫn nại chờ đến lượt là chị Linh, công tác tại ngân hàng T.P Bank gần đấy. Chị Linh chia sẻ, chủ quán chịu khó đầu tư về không gian, nhưng với khách hàng như chị thì chỉ quan tâm đến chất lượng, chị "nghiện" món này đến mức trưa nào cũng cùng đồng nghiệp qua đây ăn, và nếu đông như trưa nay thì chờ đợi "Là điều quá bình thường luôn". Trong cái cảnh kinh doanh như bây giờ, vạn người bán mà chỉ có trăm người mua, thì ở Hà Nội vẫn có những quán bún thu hút khách đến lạ như ở đây.
Một bát bún có đủ tôm, mực, bề bề... khiến nhiều người băn khoăn về giá cả. Trong cơn sốt bún hải sản của người Hà Nội, nhiều quán chọn cách bán với giá bình dân đã thắng lớn.
Xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội phải kể đến bún hải sản ở Ngũ Xã. Quán này thu hút lượng khách khổng lồ nhờ bán bún hải sản có bề bề, tôm, cá chiên với giá khá bình dân, thu hút nhiều thực khách là học sinh, sinh viên. Bún nấu theo hương vị Tom-yum Thái chua cay, không quá ngon để người ăn phải nhớ mãi, nhưng trong thời điểm bão giá như hiện nay, giá cả chính là điểm cộng để quán bún hải sản này trở nên nổi tiếng.
Theo chia sẻ của chủ quán, mỗi ngày quán này đón khoảng 500 khách, tiêu thụ hết khoảng 200 kg bún, 100kg tôm, bề bề... Những ngày cuối tuần, con số này tăng cao hơn rất nhiều, chi phí đầu tư nguyên liệu nấu ăn, cao điểm có ngày lên tới gần 30 triệu đồng. Chị Trang, chủ quán bún hải sản Ngũ Xã cho biết, vào những ngày giá cả nguyên liệu ổn định, mỗi bát bún bán ra, chủ quán thu lãi hơn 4.000 đồng. Với số lượng khách khoảng 500 lượt, mỗi ngày chị Trang thu lãi 2 triệu đồng.
Với giá cả dễ chấp nhận, quán bún hải sản này thu hút khách hơn hẳn quán khác cũng mở ngay cạnh để cạnh tranh. Tuy vậy, khách đến ăn vẫn để lại phản hồi về những con bề bề có lẽ nấu vội nên còn nguyên vị tanh, nước dùng chưa đậm đà.
Cùng giá 30 nghìn cho một bát bún Thái hải sản còn có hàng bún ở Đặng Văn Ngữ, nhưng bún ở đây không có bề bề, mỗi bát có 2 con tôm và thanh cua Thái như trong lẩu, đúng như tên gọi mà chủ quán đề trên biển "Bún Thái Tom yum". Thay vào đó, chủ quán thêm thịt bò chần để bát bún đầy đặn. Hay bún bề bề ở Nguyễn Khuyến, chỉ "độc" một món bề bề được nấu với nước vị riêu cua, ăn cũng thanh cảnh và lạ miệng.
Bún hải sản đã trở thành trào lưu thực sự trong những ngày Hà Nội vào đông như bây giờ. Khách hàng có rất nhiều lựa chọn, từ những quán "chất lượng cao" cho tới quán bán giá bình dân, để thưởng thức một món ăn đang "làm mưa làm gió". Món bún hải sản, dù một vài nơi vẫn còn những nhược điểm nho nhỏ, nhưng cũng góp phần tô điểm cho văn hóa ẩm thực Hà thành thêm phần phong phú.
0 nhận xét :
Post a Comment