Gần đây, đã xảy ra một số vụ ngộ độc do ăn khô một nắng (KMN). Thật ra, bản chất KMN không gây ngộ độc nhưng do quá trình vận chuyển, bảo quản, bày bán... đã khiến KMN bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc.
Hiện KMN đang bày bán tại các chợ ở TP.HCM như các loại khô bình thường, chủ yếu là hàng xá, không bao bì nhãn mác, có giá cao hơn khô bình thường khoảng 50.000đ/kg. Chẳng hạn, khô cá sặc giá 300.000đ/kg nhưng khô cá sặc một nắng giá 350.000đ/kg; khô cá lăng phồng giá 260.000đ/kg nhưng cá lăng phồng một nắng giá 320.000đ/kg.
Tại các chợ truyền thống, KMN được bảo quản trong tủ mát, có khách hỏi người bán mới đem ra. Tuy nhiên, lý do khô được bảo trong tủ mát là sợ khô bị… “nhót” chứ không phải vì mục đích giữ cho khô không nhiễm khuẩn.
Tại chợ An Đông (Q.5), một tiểu thương cho biết, KMN được chuộng hơn khô thường vì ít mặn, thịt mềm dễ ăn, ngon và có cảm giác tươi hơn. Hỏi mua khô cá sặc, chị lôi bịch khô từ tủ mát ra, bảo tôi đeo bao tay ni lông để lựa.
Đôi bao tay này cũ mèm, tanh tưởi, chắc chắn đã qua rất nhiều khách dùng. Chị còn trải KMN chồng lên các loại khô bò, khô cá bình thường khác cho khách dễ nhìn. Chính cách bán khô này đã khiến KMN dễ bị nhiễm khuẩn chéo với các loại khô đang bày bán lộ thiên.
Chợ Lê Hồng Phong nằm trong khu dân cư nên các sạp bán khô hầu hết kê ngay lề đường, hằng ngày hứng không biết bao nhiêu bụi bẩn từ xe cộ qua lại. Ở các sạp này, trừ lạp xưởng tươi, lạp xưởng một nắng có đóng gói, còn lại đều không nhãn mác, xuất xứ.
Đặc biệt KNM ở đây được trữ với nhiệt độ rất lạnh, sau đó tiểu thương lại bày bán ngoài trời từ sáng đến chiều. “Khô đã đông thật lạnh nên không sợ “nhót”. Nếu bán không hết, lại đông lạnh, hôm sau bán tiếp. Cá khô chứ đâu phải thịt sống mà sợ nhiễm khuẩn” - một tiểu thương nói.
Tại một số chợ nhỏ khác, tiểu thương không có điều kiện trữ KMN trong tủ mát thì cất kín trong bao ni lông, khách hỏi mua thì lôi ra, khô lỡ bị “nhót” thì bán như khô thường.
Không chỉ các chợ truyền thống, KMN còn được rao bán rất nhiều trên mạng, đủ các loại hải sản như mực, cá thu, cá đù, cá dứa, tôm… được chế biển từ hải sản tươi, tẩm ướp gia vị và phơi một nắng. Trừ các cơ sở sản xuất chuyên nghiệp có đầu tư máy móc để sấy cá, đóng gói, hút chân không, còn lại đều bán theo kiểu “nhà làm”, tức xẻ cá, ướp gia vị rồi phơi nắng, hàng giao cho khách chỉ đóng gói qua loa, nên quá trình bảo quản không đảm bảo.
Thậm chí, nhiều người bán hàng online còn không biết quy trình sản xuất thế nào, vì chỉ ngồi nhà “mua đi bán lại”, nên chất lượng cũng… hên xui. Đã vậy, nhiều khách mua về cứ nghĩ cá đã tẩm ướp nên để ngăn mát là ăn vô tư, nhưng chỉ khoảng nửa tháng sau là cá khô đã bốc mùi hoặc nổi mốc.
Theo chị Yến (Q.8), một người bán khô lâu năm trên facebook, để bán được một con khô cá đù, cá lóc một nắng theo kiểu thủ công rất vất vả. Cá tươi vớt lên, rửa sạch, ướp muối, sau đó xẻ mang, phơi.
Khi phơi phải chọn nắng to vì không đủ nắng khô cá sẽ có mùi hôi, chưa kể để tránh ruồi nhặng bu vào, nhà chị phải giăng mùng to che đậy. Chỉ cần ruồi nhặng bu vào là sinh giòi ngay, rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ quá trình phơi nắng và che đậy không đảm bảo cá mới nhiễm khuẩn mà theo anh Phạm Anh Tuấn - chủ một cửa hàng hải sản online (Q.Bình Tân), còn vì cá KMN thực chất là cá còn tươi, nên phải bảo quản như đồ tươi, tức phải cho vào ngăn đông để ăn dần. Trong điều kiện nhiệt độ tốt có thể trữ được sáu tháng.
Nhiều cơ sở ham lợi, ngoài quy trình sản xuất không đảm bảo, cá không tươi, còn bán hàng kém chất lượng như mực một nắng chỉ cho ngậm nước rồi lên đời, bán với giá 150.000 đến 200.000đ/kg trong khi giá mực ngon phải từ 300.000 đến 500.000đ/kg.
Không chỉ các loại hải sản một nắng cần được lưu ý trong khâu sản xuất, bảo quản mà hiện các sản phẩm khô các chợ bày bán hầu hết đều bảo quản không đúng quy trình. Dạo quanh các chợ có thể thấy ngay những mâm cá khô đủ loại bày la liệt, không được che đậy và bảo quản, nên không chỉ bị ruồi, nhặng, kiến… bu vào, mà một số loại còn được tẩm ướp ít gia vị, để lâu ngày là bốc mùi, nổi mốc.
Ở chợ Đại Hải (H.Hóc Môn), dùng tay ấn mạnh vào con khô cá đù ở một quầy để thử độ tươi ngon, chúng tôi giật mình vì thịt cá bở ra, thủng sâu, lại có mùi khăm khẳm, gắt dầu. Hỏi chủ quầy hàng, bà này vô tư cho biết, khô để càng lâu càng ngon, về nhà rửa sơ hết mùi. Với những loại này, theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn vào rất nguy hiểm vì vi khuẩn đã thấm sâu vào thịt cá.
Theo TS Phan Thế Đồng - giảng viên khoa Khoa học và công nghệ, ĐH Hoa Sen TP.HCM, KMN không mặn do ít muối, nhiều nước hơn khô thường nên rất dễ hư, dễ nhiễm khuẩn nếu cá không được bảo quản lạnh, đóng gói, hút chân không.
Nếu tay khách hàng tiếp xúc với cá hoặc cá được để chung với các loại thực phẩm khác thì càng dễ nhiễm các vi khuẩn gây bệnh. Việc lấy KMN đang bảo quản lạnh đem ra ngoài trời dù chỉ khoảng 30 phút - 1 giờ, sau đó lại cho đông lạnh để bán tiếp ngày hôm sau sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gấp nhiều lần so với trước khi đông lạnh; ăn vào có thể gây ngộ độc với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đau đầu.
0 nhận xét :
Post a Comment