Nuôi thành công cá ngựa thương phẩm

Đề tài "Thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa" tại xã Tam Hải, do Ths. Lê Văn Hiệp (cán bộ Phòng NN&PTNT H. Núi Thành, Quảng Nam  làm chủ nhiệm) được Sở KH&CN Quảng Nam nghiệm thu ngày 27-2 vừa qua. Sau 2 năm triển khai thực hiện, lần đầu tiên Quảng Nam công bố nuôi cá ngựa thành công trên địa bàn tỉnh sau tỉnh Khánh Hòa.
Mô hình nuôi cá ngựa trong bể xi-măng ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Đức Xuyên (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, H. Núi Thành) là chủ trại sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản được chọn nuôi thử nghiệm cá ngựa. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đề tài này đã mang lại nhiều kết quả. Với lứa cá bố mẹ ban đầu gồm 100 con giống cá ngựa đen, sản phẩm đề tài cho ra 9.500 con cá ngựa giống từ 5cm trở lên và 2.900 con cá thương phẩm. Từ lượng cá giống tạo ra từ mô hình, hộ ông Nguyễn Đức Xuyên thí điểm nuôi thương phẩm trong bể xi-măng 1.700 con và nuôi ngoài lồng bè môi trường nước tự nhiên 1.200 con. Ở giai đoạn từ 1 đến 3 tháng cá ngựa thường có độ dài 5,5cm, nếu bán ra thị trường 20.000 đồng/con giống. Sau 6 tháng nuôi cho độ dài từ 10-12cm, giá thị trường mỗi 70.000 đồng - 80.000 đồng/con (nếu xuất bán cho các thị trường phía Nam, giá có thể lên đến 100 - 110 ngàn đồng/con).

Ông Nguyễn Đức Xuyên cho biết, lúc cao điểm, ông nuôi cá ngựa bố mẹ sinh sản lẫn cá giống ở 6 bể chứa. Cá ngựa sinh sản từ 500 đến 1.400 con mỗi lứa đẻ, tỷ lệ sống hơn 80%. Thức ăn đơn giản là ấu trùng trong tự nhiên, ruốc... "Nhờ được hỗ trợ giống, được chuyển giao kỹ thuật nuôi giống và thương phẩm, tôi đã có 6 lứa nuôi, chủ yếu là cung cấp cá giống. Đối với nuôi cá ngựa thương phẩm, cần chú trọng đến nguồn thức ăn dự trữ các tháng 8, 9 là thời điểm khan hiếm" - ông Xuyên chia sẻ. 

Một trong những trở ngại của quá trình nuôi cá ngựa là khó chủ động được nguồn thức ăn. Thức ăn chủ yếu của cá ngựa giống là động vật phù du (thành phần chủ yếu là copepoda) sống trong tự nhiên. Nguồn này thường không ổn định. Khi thời tiết thay đổi hay đến mùa mưa thì rất khó tìm. Do đó, phải có loại thức ăn thay thế đảm bảo về chất lượng và chủ động được số lượng. Đó là khi mật độ copepoda cao, thu hoạch và lưu giữ trong tủ đông để sử dụng dần. Khi cá ngựa dài hơn 4cm, chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm, lúc này thức ăn của cá ngựa hoàn toàn thay đổi. Chúng ăn tôm cám và ruốc, dễ tìm và giá mua rẻ hơn.
Cá ngựa thương phẩm nuôi thành công ở Quảng Nam.
Từ thành công của mô hình thử nghiệm tại hộ ông Nguyễn Đức Siêng, H. Núi Thành tiếp tục đề xuất triển khai đề tài cấp tỉnh nuôi tái phát dục đối với cá ngựa giống. Đề tài hướng tới nâng cao hiệu quả sinh sản của đàn cá giống bố mẹ, thay vì cá chỉ sinh sản một lần rồi được bán để ngâm rượu thì nay nhờ can thiệp, cá có thể đẻ 2 lứa, tăng hiệu quả từ số lượng đàn cá giống tạo ra hàng năm...

Ths. Lê Văn Hiệp khẳng định, cá ngựa hoàn toàn có thể là hướng mở cho nuôi trồng thủy sản không chỉ ở các xã ven biển Núi Thành, mà còn trên địa bàn toàn tỉnh. Ths. Lê Văn Hiệp cho biết: "Nguồn nước ở biển Quảng Nam có độ mặn hoàn toàn phù hợp với loài cá ngựa. Thức ăn của loài này chủ yếu là loài tôm ruốc, khá dồi dào, giá thành rẻ, có thể trữ đông để chủ động cho nuôi trồng. Trong năm, chỉ có mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12, khi độ mặn trong nước biển giảm mạnh, tỷ lệ sinh sản của cá ngựa nuôi lồng bè mới sụt giảm. Cạnh đó, người dân hoàn toàn có thể chăm sóc cá ngựa trong bể xi-măng hoặc trong lồng bè, với kỹ thuật đơn giản và ít tốn công hơn nhiều so với nuôi tôm thẻ, tôm post". Qua khảo sát của Ths. Lê Văn Hiệp trên đàn cá ngựa nuôi suốt hơn 2 năm qua, dù là nuôi trong môi trường bể xi-măng hay thả ngoài lồng bè tự nhiên, cá ngựa vẫn sinh trưởng, phát triển với tỷ lệ sống khá cao.

Hiện tại, trong quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương, con cá ngựa là một trong những hướng đi được chú trọng, kết hợp với du lịch biển để có thể hình thành một số địa chỉ nuôi với số lượng lớn ở các xã Tam Hải, Tam Tiến, Tam Thanh, cung ứng sản phẩm cá ngựa như một "đặc sản" địa phương.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment