Việc khai thác tài nguyên hải sản tại Việt Nam, nhất là hải sản ven bờ, đã vượt quá trữ lượng cho phép
Khai thác quá mức hải sản ven bờ |
Phần lớn tàu cá của Việt Nam đánh bắt gần bờ; ngư dân dùng xung điện, chất nổ hủy diệt hải sản; công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản và dự báo ngư trường kém... Thực trạng trên được đại diện các cơ quan chức năng nêu ra tại hội thảo “Trao quyền cho cộng đồng ven biển và hải đảo để quản lý và bảo vệ tài nguyên biển”, do Trường ĐH Nha Trang và Lãnh sự quán Mỹ phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức ở tỉnh Khánh Hòa ngày 26 và 27-3.
Khai thác xa bờ chưa đạt hiệu quả
Việt Nam có 3.200 km bờ biển, hơn 1 triệu km2 mặt biển, gấp 3 lần diện tích đất liền. Đây là nơi cư trú cho hơn 10.000 loài hải sản và thực vật thủy sinh biển. Trữ lượng hải sản vùng biển Việt Nam ước tính có thể khai thác khoảng 4,25 triệu tấn/năm. Từ năm 1990, sản lượng khai thác hải sản của cả nước chỉ đạt 672.000 tấn, đến năm 2014 tăng vọt 2,6 triệu tấn.
Do tàu công suất nhỏ, trang thiết bị thô sơ nên ngư dân tập trung đánh bắt gần bờ |
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, dẫn chứng số lượng tàu khai thác hải sản tăng nhưng năng suất theo tàu thuyền và công suất tàu lại có xu hướng giảm dần: từ 0,49 tấn/CV năm 2001 còn 0,37 tấn/CV năm 2014. “Điều này chứng tỏ sự gia tăng số lượng tàu khai thác ven bờ, có thể làm nguồn hải sản ven bờ cạn kiệt dần” - ông Tuấn cảnh báo.
Việc khai thác hải sản ven bờ được cho là quá mức, trong khi tiềm năng khai thác xa bờ chưa đạt hiệu quả. Cả nước hiện có đến 99% tàu cá vỏ gỗ, công suất nhỏ và 85%-90% tàu cá sử dụng động cơ cũ, trang thiết bị bảo quản thô sơ nên tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch cao, ước khoảng 20%. Bên cạnh đó, năng lực dự báo ngư trường hạn chế, còn rủi ro cao trong xuất khẩu hải sản và thiếu bền vững trong bảo vệ nguồn lợi. Ngoài ra, trình độ lao động kém, tính đến hết năm 2014, chỉ có khoảng 30% thuyền trưởng, máy trưởng qua đào tạo.
Thay đổi ý thức ngư dân
Theo ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận, để bảo vệ và phát huy nguồn lợi hải sản, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân ven biển.
Hoạt động thả tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Ninh Thuận |
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Tín cho biết vùng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải giàu đa dạng sinh học khi có đến 334 loài san hô, 188 loài rong biển, 147 loài họ cá san hô, 115 loài thuộc 3 lớp chân bụng, 80 loài giáp xác… Trước đây, do thiếu ý thức, ngư dân khai thác kiểu tận diệt, dùng xung điện, chất nổ, chất độc để đánh bắt. Từ nhiều năm qua, song song với thành lập tổ nhân dân tự quản bảo vệ nguồn lợi san hô Thanh Hải và tổ tình nguyện phục hồi nguồn lợi thủy sản Hòn Chồng, chi cục đẩy mạnh tuyên truyền, nhờ vậy tình trạng khai thác hải sản bừa bãi giảm hẳn.
Cho rằng nâng cao ý thức của ngư dân là rất quan trọng, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, còn đề nghị phải nâng cao công tác quản lý nhằm cải thiện khai thác hải sản theo hướng bền vững. “Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ khai thác hải sản bền vững như đầu tư cơ sở hạ tầng, tái định cư đối với những vùng ven biển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chuyển đổi nghề và sinh kế cho các ngư dân nghèo...” - ông Vinh góp ý. Theo ông, cần hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa đội tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần, vận chuyển; kết hợp nâng cao chất lượng, bảo quản hải sản sau thu hoạch, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hải sản...
Cá sông cũng mạnh ai nấy bắt
Bàn về bảo vệ tài nguyên hải sản ven bờ nhưng tại hội thảo, GS Donald C.Jackson, ĐH bang Mississippi (Mỹ), đưa ra những đánh giá đáng chú ý về nguy cơ cạn kiệt tài nguyên sông. GS Donald C.Jackson nói: “Thế hệ tương lai cần có các con sông lành mạnh, thủy sản dồi dào. Tuy vậy, chính quyền một số địa phương thường bỏ qua tầm quan trọng của thủy sản sông và quên đi những người nghèo vốn không có nhiều sự lựa chọn về cách kiếm tiền, bắt cá để chăm sóc gia đình. Đôi khi ngư dân đánh bắt bất hợp pháp nhưng thường bị bỏ qua bởi các cán bộ kiểm ngư. Điều này dẫn đến tình trạng đánh bắt cá bừa bãi, hủy diệt môi trường sống của những con sông”.
0 nhận xét :
Post a Comment