Gần đây, nhiều khách hàng chuộng loại sam biển làm mồi nhậu. Thịt, đặc biệt là trứng có vị bùi, béo vừa phải, mùi thơm, nhiều đạm khiến ai ăn một lần rồi cũng nhớ. Dù vậy, do ngoại hình khá giống nhau, cần phân biệt rõ con sam và con so, bởi ăn phải con so chỉ có… bò ra chết.
Sam biển được bày bán tại thị trấn Gành Hào.
Tại ấp 5, Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) thời gian gần đây, người dân bán con sam biển rất nhiều. Sam bày bán hai bên đường vào thị trấn. Theo người bán, sam do những ghe đi biển, ghe cào bắt được đem về còn sống. Chị Trần Thị Thanh Thủy - người bán sam - cho biết: “Giá dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/con. Riêng sam vàng giá cao hơn nhưng rất hiếm. Mỗi ngày tôi bán trên 40kg, người ta mua nườm nượp, có thấy ai ăn vào chết chóc gì đâu”.
Hầu hết người dân ven biển Bạc Liêu đều khá rành về con sam và con so nên họ mua sam về nướng ăn, đãi bạn bè. Thịt sam ngọt, nhưng ngon nhất là trứng. Trứng màu vàng như trứng cá, nhiều đạm, có vị ngọt, bùi, thơm và mùi đặc trưng. Chính điều này khá thu hút khách ăn sam. Một chủ quán ăn tại Gành Hào cho biết, anh chọn sam loại lớn và quá trình chế biến tách hết phần ruột ra, chỉ lấy trứng và thịt. Sam có thể làm nhiều món, nhưng được nhiều người ưa thích là nướng và làm gỏi.
Tuy nhiên, nếu ăn phải con so thì người ăn có thể... lăn đùng ra chết sau 30 phút. Chính vì vậy, nhiều năm nay người ta khuyến khích không nên ăn cả hai con cho chắc, khiến món ngon này ít người biết.
Theo Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, sam biển, so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ sam (Xiphosuridae) có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda).
Tachypleus tridentatus, dân gian gọi là sam biển (sam lớn). Đuôi sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống thành từng cặp. Mỗi cặp sam làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời. Mỗi cặp sam đẻ nhiều trứng. Sau khi đẻ trứng, sam cái bò đi nơi khác. Trứng được phát triển thành ấu trùng, sam con và thành sam trưởng thành. Sam biển được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm.
Carcinoscorpius rotundicauda, dân gian gọi là so biển (sam nhỏ). Khu vực phân bố của nó cũng là ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển thường khoảng 20 - 25cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.
Trong so biển có độc tố tetrodotoxin, là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.
Độc tố tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc) tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại). Chất độc có thể bị phân huỷ trong môi trường kiềm hay acid mạnh. Tetrodotoxin cho vào dung dịch HCl (axit Clohydric) 0,2 - 0,3% sau 8 giờ mới bị phân huỷ; hoặc đun sôi (100oC) thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính; để phá hủy hoàn toàn độc tính phải đun sôi ở 200oC trong 10 phút.
Thực tế đã có nhiều người tử vong do ăn nhầm phải con so biển. Chính vì vậy, cần phải rất thận trọng trong việc lựa chọn. Nếu không phân biệt được, bạn nên nhờ những người am tường, sống ven biển mua giúp. Không nên tùy tiện mua sam về ăn bởi dễ dẫn đến chuyện “chết vì thiếu hiểu biết”.
0 nhận xét :
Post a Comment