Ăn rồi mới biết...cá ngừ đại dương

Vùng Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định) không chỉ nổi tiếng với rừng dừa bạt ngàn cây trái mà hiện nay còn “vang danh” với nghề câu cá ngừ đại dương (một số nơi gọi là cá bò gù). 
Xuân này, nhiều ngư dân xứ dừa “bỏ tết” theo… cá. “Mà phải là cá ngừ đại dương. Cá thường không đáng phải bỏ tết” - anh bạn ngư dân nói vậy. Và cũng chính anh cùng vợ bày tiệc cá ngừ đại dương khi chúng tôi đến thăm nhà dịp đầu năm.

Có lẽ cá ngừ đại dương là loại cá “hầm hố” nhất trong dòng họ cá ngừ bởi cái dáng mập, to, khỏe, căng và múp. Trung bình mỗi con nặng cỡ 40 - 50 kg. Giá dao động trên dưới 200.000/kg thịt phi lê. Con lớn nhất có thế lên tới cả tạ.

Chỉ cặp mắt cá thôi, chưng với gừng cũng được một tô khá nặng tay, ăn mát tới… ngút ngát mùa thu. Ngư dân còn kháo với nhau rằng cá ngừ có cặp mắt rất khỏe, có thể phát hiện con mồi từ xa khoảng vài trăm mét. Vì thế, mắt cá rất bổ ích cho người yếu thị lực.

Còn ức cá (phần trước bụng cá), ướp gia vị và nướng vài miếng thôi, bảo đảm cả nhà bốn, năm người có thể ăn trừ bữa. Riêng bộ lòng cá, xát muối sống, rửa sạch, luộc chín, xắt nhỏ rồi trộn với rau thơm, một ít lá húng, hành, ngò, đậu phộng, rưới nước mắm chua ngọt, ăn với bánh tráng giòn thì khỏi nói, chén mê tơi đến… quên lời vợ dặn “để bụng còn đi ăn giỗ!”.

Nhưng độc đáo nhất, để lại nhiều dư vị nhất vẫn là món thịt cá ngừ đại dương ăn sống với mù tạc. Thịt cá hầu như toàn nạc, không béo, giàu đạm và muối khoáng, rất tốt cho sức khỏe.
 Cá Ngừ đại dương cắt lát ăn với mù tạc ngon hết ý.
Trong lúc chị vợ bày món, anh chồng khui chai vang đỏ, cười tủm tỉm nói với khách: “Tui cảnh báo mấy ông Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) rằng ăn món này chỉ một lần, mấy ông sẽ cuồng cá ngừ - mù tạc cho mà coi. Khi đó đừng có mò vô Tam Quan tuần mấy bận là chết tui. Để tui còn đi theo tiếng gọi “thiêng liêng” của cá ngừ đại dương đặng nuôi vợ nuôi con nữa chớ”.

Cá ngừ đại dương phi lê có màu hồng tươi rất đẹp. Xắt cá thành từng miếng sắc cạnh, dài cỡ ngón tay. Gắp một miếng, đặt trên vài lá cải cay rồi quấn lại, chấm với xì dầu đã đánh mù tạc thì… biết nói gì đây? Hương vị của nó đưa ta lên đỉnh nồng nàn. Lá cải cay nhẹ tương tác với mù tạc cay nồng xộc thẳng vào mũi rồi nhanh chóng lan tỏa đến từng ngóc ngách của khứu giác và vị giác.
Anh nào bị cảm, đang khụt khịt, chỉ cần ăn miếng đầu tiên lập tức mũi được khai thông tức thì. Thông đến mức nước mắt “tuôn rơi” vì tuyến lệ bị kích thích bởi món ăn mời gọi. Nhưng rồi cảm giác cay nồng từ từ dịu lại khi ta nhai chầm chậm, lắng nghe vị ngòn ngọt, thanh thanh, không một chút tanh của thịt cá ngừ đại dương. Thỉnh thoảng ta có một thoáng lặng người khi bắt gặp hạt đậu phộng rang giòn giòn, thơm thơm tỏa lan trên đầu lưỡi.

Lúc ấy thì cái anh “vang” vốn đã đậm đà ý vị dường như tăng thêm chút vị chan chát, đủ để man mác, lâng lâng. Chợt thấy lời “cảnh báo” của anh bạn thật có lý: Ăn xong sẽ cuồng món cá ngừ đại dương - mù tạc.

Xem người Nhật chế biến cá Ngừ làm Sushi và Sashimi.


    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment