Mực tẩm rởm ở miền Trung

Mực là hải sản yêu thích của nhiều người, đặc biệt là dân nhậu. Tuy nhiên, loại hải sản này dễ bị làm giả, hoặc bị tẩm hóa chất độc hại. Chúng tôi đã có hành trình "xâm nhập" vào nơi chuyên tẩm mực rởm ở miền Trung.

Mực tẩm rởm ở miền Trung
Không chỉ có mực tươi bẩn, mực khô cũng được phát hiện chứa nhiều hóa chất và bị làm giả với nhiều hình thức tinh vi.
Ở Nha Trang, Khánh Hòa và Quảng Bình nhiều khách du lịch bị lôi kéo vào một số cửa hàng hải sản để mua mực, thế nhưng khi mua về, thậm chí sau khi biếu làm quà họ mới tá hỏa vì phát hiện ra đó là mực giả bằng cao su hoặc mực tẩm hóa chất. Ma trận “mực giả” này cũng khôn lường và đầy tinh vi của những đối tượng buôn bán.

Bỏ tiền triệu mua mực làm bằng… cao su

Chị Nguyễn Thị Tình (Quảng Ngãi) đến giờ vẫn chưa hết bức xúc kể về lần tưởng mua được món hàng ngon, bổ, rẻ, ai ngờ mua phải đồ rởm. Khi nghe bạn bè nói ở Quảng Bình có nhiều cửa hàng đặc sản mực tẩm thơm ngon khá hấp dẫn nên chị Tình đã dành dụm một số tiền lớn đi từ Quảng Ngãi ra tận Quảng Bình tìm đến cửa hàng Lê Nhung (ở phường Phú Hải, Đồng Hới) mua khối lượng mực lớn về để ăn và làm quà, nhưng về nhà mở ra dùng thì chị và gia đình mới biết đó toàn là mực giả không thể nào dùng được. Dù mực tẩm này chỉ để ăn liền nhưng khi chị Tình đốt thử thì mực bốc khói đen nghi ngút.
Mực tẩm rởm ở miền Trung
Mực giả nguyên con trông rất giống mực thật, tuy nhiên đuôi mực giả được cắt thẳng không tự nhiên như đuôi mực thật
Còn anh Nguyễn Văn Hoàng đến từ TP. Hồ Chí Minh thì lại tá hỏa khi biết được khối lượng lớn mực anh đã mua trước cổng chợ Đầm (Nha Trang, Khánh Hòa) là mực tẩm bằng cao su, vì khi anh đem mực đi nướng, mới hơ mực lên lửa đã thấy mực bốc cháy xèo xèo.

Hoàng kể: từ trước Tết Ất Mùi anh ra Nha Trang công tác tiện thể mua gần chục kg mực tẩm về tặng cho người thân và bạn bè làm quà. Vì áp Tết chợ Đầm đông cứng người nên Hoàng đã mua theo sự chào mời của nhiều quầy bán phía trước chợ. Sau Tết, anh mang mực ra sử dụng mới biết hầu hết mực tẩm này đều làm bằng cao su và có tẩm hóa chất. Đầu tháng 3/2015, Hoàng mang số lượng mực này quay về chợ Đầm tìm người bán để làm cho rõ thì chủ quầy này không còn bán nữa.

Không chỉ mực tẩm mà mực nguyên con cũng bị làm giả, làm nhái. Ông Mười cầm theo mấy con mực giả đưa cho chúng tôi xem thì hình dạng không khác gì mực thật. Nhưng, khi đưa con mực này cho ông Huỳnh Hải - một ngư dân chuyên câu mực thì ông Hải cho biết: “Đây là loại mực xà, có nhiều ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mực xà sau khi phơi khô có vị hơi đắng, không ngon, ngọt và mềm như loại mực khô thông thường. Mực này giá rất bèo, chủ yếu người ta dùng để phục vụ cho chăn nuôi mà thôi. Loại mực này giá chỉ bằng một phần ba loại mực ống chính hãng."

Cách phân biệt mực xà và mực thật thông thường là phần đuôi. Đuôi mực xà có màu đen sậm, dày, xòe to như đuôi cá; còn đuôi mực ống mỏng, ôm sát vào thân. Mực này tuy chủ yếu dùng cho chăn nuôi nhưng nếu người ăn thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Giá mực xà khô bán sỉ dao động từ 100.000-110.000đồng/kg, tùy theo loại lớn nhỏ".

Dính phải quả lừa mua khối lượng lớn mực xà này vẫn còn may mắn hơn nhiều người bỏ tiền triệu chỉ để mua mực bằng cao su. Anh Lê Hậu ở Lâm Đồng vừa quay lại chợ Vĩnh Hải (Nha Trang) tìm gặp chủ quán nhưng tìm mãi không thấy. Anh Hải cho biết: "Ở Lâm Đồng lâu nay nên cũng không rành về các loại hải sản, nhất là hải sản khô nên khi xuống chợ Vĩnh Hải nghe các chủ sạp chào hàng rối rít nên vào mua ngay thôi. Mua hết gần chục triệu đồng tiền mực tẩm mà về nhà hóa ra toàn cao su. Loại mực này khi mua về thì hương liệu bên ngoài rất thơm nhưng để chừng vài tháng thì hầu như không còn mùi vị gì nữa mà còn mốc xanh, mốc đỏ".

Ham rẻ dễ rước họa vào thân

Theo khảo sát của chúng tôi thì các sạp bán mực di động mọc lên quanh chợ Vĩnh Hải, Vĩnh Lương, chợ Đầm đều chèo kéo khách rất nhiệt tình. Và những khách hàng thiếu hiểu biết đã dính quả lừa của các tiểu thương này.
Mực tẩm rởm ở miền Trung
Lực lượng chức năng Quảng Bình bắt vựa đặc sản của bà Nguyễn Thị Lê Nhung với hơn 300kg mực bằng sắn và cao su
Ông Lê Văn Tám - một tiểu thương lâu năm ở chợ cho biết: “Hầu hết các cửa hàng lâu năm và thuê cố định rồi thì không dám bán các loại mực giả ấy vì còn giữ thương hiệu. Với lại, hàng quán cố định nếu bán đồ giả thì khách sẽ quay lại làm um lên ngay. Theo tôi các khách hàng bị mua phải mực tẩm cao su hay mực xà đều là mua của các quầy bán di động quanh chợ, nhất là chợ Vĩnh. Trong những dịp lễ Tết, ngày hè…những thời điểm đông khách du lịch đội quân di động này lại càng đông đảo hơn. Quan trọng nhất là khách hàng cần phải cảnh giác và có cách lựa chọn đúng mà thôi. Ham rẻ đôi chút nhưng mua ở những nơi không có nguồn gốc thì nguy hiểm”.

Không chỉ mực tẩm bằng cao su bán trong các sạp quanh chợ Đầm, chợ Vĩnh Hải mà ngay cả mực tươi, nhiều người cũng đã dùng hóa chất để biến mực ươn thành mực tươi ngon. Lượng hóa chất này không nhiều nhưng nếu dùng lâu thì bị ngấm vào nội tạng người.

Chị Thúy (công nhân Nhà máy sợi, Khánh Hòa) cho biết: “Do làm công nhân hay tăng ca nên buổi chiều nhập nhoạng tôi mới vào chợ Vĩnh Hải để mua đồ được, có hôm rõ ràng tôi mua mực tươi rói thế nhưng khi về bóc hết lớp da tím rồi rửa thì thấy chậu nước sủi bọt như xà phòng, sợ quá tôi cho muối hạt vào bóp thì càng bóp càng ra nhiều bọt nên đành phải bỏ không dám dùng nữa. Mấy hôm sau, tôi lại tiếp tục mua mực của tiểu thương mang ra bán ở đường Trần Phú (đoạn nối dài với Phạm Văn Đồng). Được các tiểu thương giới thiệu mực vừa đánh bắt lên xong nên tôi bỏ hơn 200.000 đồng/kg để mua mực tươi. Lúc chọn mua đã ngắm kỹ xem chỗ nào mực trắng ngon mới lấy, tuy nhiên không ngờ khi về rửa mực sủi bọt đầy chậu. Mùi bốc lên giống như hóa chất rất khó ngửi”.
Mực tẩm rởm ở miền Trung
Mực ươn sau khi ngâm, tẩy bằng hóa chất công nghiệp, mực trắng, giòn và giảm mùi hôi thối đáng kể.
Theo tiết lộ của một số người đánh bắt lâu năm, tiểu thương bây giờ dùng thủ đoạn để hô biến mực ươn, mực thối để lâu ngày thành mực tươi như thật. Giá mực ươn chỉ tầm 20.000 đồng/kg. Và điều đáng nói là phần lớn những tiểu thương bán mực tươi ở đoạn đường Phạm Văn Đồng và chợ Lương Sơn không phải là ngư dân thật, chỉ là những tiểu thương giả danh ngư dân bán mực đểu kiếm lời mà thôi.

Theo nhiều chủ cửa hàng bán đặc sản lâu năm ở Nha Trang thì mực tẩm bằng cao su chủ yếu làm bằng xenlulo. Loại chất dẻo này có nhiều, được tổng hợp từ xơ của củ sắn dây và tinh bột. Giá của xenlulo rất rẻ chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Nếu ăn phải loại này nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến nội tạng của người, có thể gây viêm phổi. Thế nên người dân trước khi mua cần tìm hiểu kỹ, không nên mua ở các sạp di động trôi nổi quanh chợ hoặc gần các cảng cá. Vì những gian thương này có thể nay bày bán chỗ này, mai bày bán chỗ khác. Khi xảy ra hậu quả rất khó tìm được.

Theo chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa thì do các sạp bán mực giả là sạp di động nên chỉ còn cách tuyền truyền người tiêu dùng nâng cao cảnh giác là chính. Còn chi cục quản lý thị trường Quảng Bình sau khi nhận được nhiều phản ánh và tố giác của khách hàng về việc vựa đặc sản Lê Nhung bán đặc sản giả đã thành lập đoàn liên ngành và bất ngờ đột kích. Vựa đặc sản này nằm trên phường Phú Hải do bà Nguyễn Thị Lệ Nhung làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 340kg mực sấy khô xé rời và hơn 18 tấn mực khô nguyên con không rõ nguồn gốc. Theo khai nhận của bà Nhung, 340kg mực sấy khô xé rời đều được làm giả từ sắn và chất kết dính từ cao su, đại lý mua vào với giá 50.000 đồng/kg và bán ra giá rất cao. Đây là vụ mực giả lớn nhất từ trước đến nay bị đột kích ở Quảng Bình.

Một loại mực được nghi làm bằng nhựa đã xuất hiện tại TP.HCM.



    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment