Nghề cào hến ở An Giang

Cào hến đòi hỏi người làm nghề phải có sức dẻo dai, chịu được cái lạnh vì phải ngâm mình hàng giờ dưới nước. Đổi lại những người giỏi nghề với khoảng thời gian 8 giờ có thể kiếm được 1 triệu đồng là chuyện nằm trong tầm tay.

Nghề cào hến ở An Giang
Với những người cào hến bằng tay chỉ được từ 20 - 30kg/ngày

8 giờ ngâm mình dưới nước

Ở An Giang khu vực dân sống bằng nghề cào hến đông nhất là  ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh thuộc huyện Châu Thành, vì nơi đây có tới hàng trăm hộ gia đình sống bằng nghề cào và luộc hến.

Anh Võ Văn Hùng ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành cho biết: “Nghề cào hến hoạt động quanh năm, tuy nhiên cao điểm là vào khoảng tháng 3 - 8 (âm lịch). Khi ấy, mùa nước ở các dòng sông, kênh dần cạn, hến bắt đầu sinh sôi nảy nở nhiều và công việc trở nên dễ dàng. Vì thế hàng trăm hộ dân đua nhau làm nghề. Công việc này bao giờ cũng cần đến 2 người, có vỏ lãi, chồng cào vợ bơi, cũng có khi con bơi cha cào"

Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chỉ học hết lớp 6, em Võ Văn Lộc (14 tuổi) ở ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành đành theo cha phụ việc đã 2 năm nay, em cho biết: “Trước đây, phương tiện di chuyển thường là những chiếc xuồng gỗ, chiếc ghe… rất thô sơ, nhưng giờ đa phần là vỏ lãi bằng Composite. Một phần việc làm ăn khấm khá hơn, phần còn lại phải hoạt động ở xa nên bắt buộc phải như thế”.
Nghề cào hến ở An Giang
Thêm chú thíchVới những người dùng máy cào thì mỗi ngày từ 60 -70kg
Theo ghi nhận của PV công cụ và phương tiện phục vụ cho nghề cào hến là vợt lưới, rổ tre, lưới sàng, chiếc vỏ lãi gắn máy, khá hơn thì thêm cái máy lặn.

Anh Võ Văn Hùng (bố em Lộc) gắn bó với nghề đã 15 năm lôi lên một túi bùn có lẫn rác hến và rẹm nặng cả chục ký. Sau đó được anh dạo qua dạo lại vài lần dưới nước để tạp chất được đẩy ra ngoài. Tiếp đến một tay anh nắm lấy cán vợt, tay còn lại đỡ túi vợt để cùng nâng số hến, rẹm vào khoang xuồng. Và cứ thế hết túi này đến túi khác, xuồng anh cứ len lỏi theo mé sông. Còn con anh thì sàng sảy, lựa ra hến lớn hến nhỏ cho vào xoong, ngăn chứa.
Nghề cào hến ở An Giang
Hến lớn bán cho mối làm thức ăn, nhỏ thì bán cho hộ nuôi lươn, vịt, cá…
Theo anh Hùng, bây giờ việc cào hến không dễ dàng như trước, người làm nghề phải đi xa hàng chục cây số mới có hến mang về. Bởi nguồn hến dần cạn kiệt. Tuy nhiên, chưa đầy cây số mà có đến chục vỏ lãi cào hến, nào là lặn máy, nào cào tay đông đúc như chợ nổi miền sông nước. Sáng sớm các thợ cào đối mặt với cái lạnh, chiều với cái nắng đổ lửa…

Sau một hồi lâu trầm mình và người đã thấm mệt, anh Hùng lên vỏ lãi uống chén nước mát và kể với chúng tôi rằng: “Nghề này đòi hỏi phải có sức dẻo dai, chịu được cái lạnh. Ngoài ra, trầm mình dưới nước lâu đôi khi bị chuột rút, mắc bệnh ngoài da, đó cũng là điều đáng sợ nhất. Vì thế một số không gắn bó với nghề được bởi bệnh xương khớp hành hạ. Nhưng phần đông việc này ở nhiều gia đình không hề ngắt quãng. Bởi cha giải nghệ thì con, cháu tiếp tục bám nghề. Vì đó là công việc nuôi sống khi không đất lẫn vườn”.

Để có được nhiều chiến lợi phẩm, thợ cào ngoài có sức khỏe phải thêm khả năng phán đoán những nơi có nhiều hến. Anh Hùng, chia sẻ: “ Muốn có nhiều hến phải chọn những kênh nước chảy mạnh, sâu. Bởi nơi hến sinh sản nhiều và ít người hoạt động”.

Cũng làm nghề cào hến gần đó, ông Huỳnh Văn Thanh ở ấp Bình Tân, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú gắn bó với việc cào hến đã 2 năm nay, cho biết: “Thời gian bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 14h chiều, hến cào được cho vào khoan xuồng, sau đó sàng sảy rồi luộc lấy ruột. Đến 23 giờ đêm thì cân cho thương lái. Mỗi ngày làm được 30 – 40 kg (ruột), hiện mỗi ký được bán với giá 13.000 đồng/kg”.

 ...bỏ túi 1 triệu đồng/ngày

Vốn là công việc hàng ngày và quen thuộc, đàn ông, trai tráng có nhiệm vụ ra sông cào rồi mang hến về, những người phụ nữ chịu trách nhiệm sàng lại cho sạch sỏi, đất, rong rêu…Công việc này cũng đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức.

Không theo xuồng ra sông, nhưng cũng ở nhà phụ giúp những đứa con luộc hến bỏ mối cho những hộ nuôi lươn, nuôi vịt…gần nhà, bà Trương Thị Chính ở ấp Vĩnh Phúc, chia sẻ: “Tôi làm này nghề luộc hến nay đã hơn 8 năm. Thời điểm hến có nhiều là tháng 9  - 12 (âm lịch). Thường 6 kg hến sống cho ra 1kg ruột. Lúc nhiều mỗi ngày có được 60  - 70 kg ruột, còn lúc này ít nhưng cũng được 30 – 40 kg. Hến được cân với giá 12.000 - 20.000 đồng/kg (tùy lớn nhỏ)”.

Theo anh Hùng, việc lặn máy chỉ sau 20 phút nổi lên 1 lần, lượng hến cào được nhiều là 70 – 80 kg; ít cũng được 20 – 30 kg. Cào hến bằng việc thở máy cho sản lượng gấp 3 lần so với cào tay. Thời điểm tháng 9 – 10 (âm lịch) mỗi ký ruột hến có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Bởi khi ấy hến rất mập và lượng hến cào được không nhiều vì gặp cảnh nước sâu, nhiều người không có điều kiện nên tạm chuyển sang nghề khác. Lúc này tuy không được giá nhưng tôi vừa lặn máy và cào tay nên cũng được 70 – 80 kg ruột/ngày.
Nghề cào hến ở An Giang
Cho thu nhập cao nhưng đây chỉ là nghề thời vụ mùa lũ của dân nghèo miền Tây
Rất nhiều nông dân ở đây đang thiếu đất canh tác, chưa tìm ra một nghề ổn định, nay có thêm nghề cào hến để bán, nuôi lươn, nuôi cá… đã góp phần giải quyết công ăn viêc làm cho hằng ngàn lao động, ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình trong diện nghèo khó. Tuy nhiên, đễ trụ vững với nghề này lại là một chuyện không dễ.

Một hộ cào hến khác tâm sự: “Nghề cào hến tuy dễ kiếm tiền nhưng vô cùng nặng nhọc, nắng mưa cũng phải cào, vì ngày nào không xuống nước thì không có tiền lo cho con ăn học, chi tiêu... Đây là nghề khá vất vả, nhưng cuộc sống cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Vì thế nếu có cơ hội làm ăn thì ít ai lại chọn cái nghề này”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, mùa lũ năm nay có gần 1.000 hộ dân chuyên sống bằng nghề cào hến. 


    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment