Ngộ độc do ăn cua biển bán ở vỉa hè?

Thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM xuất hiện tin đồn ngộ độc do ăn cua biển “Khổng lồ” bán ở vỉa hè,  khiến người dân hét sức hoang mang.

Từ khi tin đồn này xuất hiện, người dân ở một số nơi không dám sử dụng loại cua biển này nên giá cua rút thê thảm. Qua tìm hiểu chúng tôi biết được sở dĩ có tin đồn này là vì cua bán ở vỉa hè nguồn gốc rất mập mờ, hơn nữa công tác bảo quản của những người bán hầu hết đều không đảm bảo an toàn.

Thực hư chuyện ăn cua vào bị ngộ độc?

Khác với thời điểm cách đây một tháng, những ngày này những địa điểm bán cua biển trên đường Hồ Ngọc Lãm trở lên vắng bóng người mua. Hầu hết người dân đi qua khu vực này chỉ nhìn đảo qua rồi bỏ đi chứ không còn cảnh tập trung mua bán đông đúc như trước.
Ngộ độc do ăn cua biển bán ở vỉa hè
Cua biển được bày bán tràn lan trên vỉa hè với giá rẻ bất ngờ
Bắt chuyện với bà Nguyễn Thị Xuyến (56 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân) hiện đang bán bánh mì tại khu vực này, chúng tôi mới biết được nguyên nhân người dân ở đây “nói không” với cua biển là vì một vài ngày gần đây có thông tin cho rằng ăn cua biển vào sẽ bị... trúng độc.

Bà Xuyến thuật lại: “Dạo trước thấy cua biển bán ở dọc đường rẻ nên chiều nào tôi cũng ghé lại mua một con về luộc để đứa cháu nội tôi ăn cho chắc xương. Nhưng cách đây vài ngày tôi đi chợ nghe người ta bảo loại cua biển này được người ta nuôi bằng thức ăn tăng trưởng hay thuốc tăng trưởng gì đó cho mau lớn. Nhưng nếu con người ăn phải chất này vào sẽ bị ngộ độc ói mật xanh, mật vàng, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng”.

Cũng theo bà Xuyến có người còn kể rằng, hiện nay tại khu vực quận Bình Tân thì chưa có ai “dính” phải ngộ độc do cua gây ra. Tuy nhiên tại quận Thủ Đức đã có một số trường hợp người dân ăn cua xong bị ngộ độc nôn ói liên tục phải nhập viện.

Hôm trước có một bà đến mua bánh mì kể với tôi là, gần nhà con dâu bà ấy ở Thủ Đức có hai vợ chồng kia đi làm về mua cua bán ở lề đường Kha Vạn Cân về luộc cho cả nhà ăn. Tuy nhiên đến nửa đêm thì cả nhà 4 người đồng loạt bị nôn ói phải nhập viện mất mấy ngày liền. Chẳng biết chuyện thật giả thế nào nhưng tôi nghe cũng có lý, bởi cua bán ở dọc đường giá rẻ như vậy mà không nuôi bằng thuốc tăng trưởng hay chất gì đó mới là lạ”, bà Xuyến chia sẻ.

Tin đồn này không chỉ xuất hiện tại khu vực quận Bình Tân mà tại một số nơi khác cũng xuất hiện một số tin đồn tương tự liên quan đến thông tin ăn cua biển “khổng lồ” bị ngộ độc.

Tại khu vực dãy quán nhậu hải sản trên đường Hòa Hảo (quận 10), trước kia đến khu vực những quán nhậu hải sản này cua biển là món mà ít người chịu bỏ qua. Tuy nhiên những ngày gần đây tại các quán nhậu cua biển phải chất đầy tủ lạnh không ai thèm hỏi đến.

Trò chuyện với chúng tôi anh Trương Văn Quý chủ quán nhậu trên đường Hòa Hảo (phường 2, quận 10) cho biết: “Chẳng nói đâu xa khoảng 1 tháng trước quán tôi một ngày bán bèo lắm cũng được hơn chục ký cua biển nhưng tự dưng mấy ngày gần đây ai đến quán nhân viên mời dùng cua cũng lắc đầu, họ bảo là người ta nói ăn cua dễ bị ngộ độc. Tôi cũng chẳng hiểu ở đâu lại xuất hiện tin đồn này nữa”.

Phỏng vấn một số người đến quán của anh Quý về lý do không dám sử dụng cua biển như dạo trước thì những người này đều cho biết lý do là sợ bị trúng độc. Anh Nguyên ngụ quận 10 cho biết: “Lúc trước tôi hay đến đây ăn cua vì giá cả cũng không đắt đỏ lắm. Nhưng nghe mấy anh em làm chung nói có một số nơi người dân ăn cua biển bị ngộ độc nên tôi không dám ăn nữa. Dù gì bảo đảm an toàn cho sức khỏe mình vẫn là quan trọng nhất chú à”.

Đi mua cua siêu rẻ ở lề đường

Không chỉ hoang mang trước tin đồn ăn cua bị ngộ độc, nhiều người dân còn tỏ ra hoài nghi với nguồn gốc xuất xứ mập mờ của loại cua biển “khổng lồ” siêu rẻ đang được bán trên vỉa hè ở Sài Gòn.
Ngộ độc do ăn cua biển bán ở vỉa hè
Cua được đựng trong những chiếc thùng xốp, người bán chỉ bày vài con ra thau nhựa để chào khách.
Anh Nguyễn Thành Hiền (28 tuổi, công nhân tại khu công nghiệp PouYuen) cho hay: “Tôi có bà chị ruột chuyên thu mua ghẹ tại Phan Thiết, lúc trước tôi điện cho chị ấy hỏi giá cua biển rồi nhờ chị ấy mua giúp vài ký thì chị ấy cho hay ở dưới đó người ta thu mua giá cua tận gốc là 180.000 đồng/ký. Vậy mà trên này bán ngoài đường có 50.000 - 60.000 đồng/1kg. Theo tôi giá cua rẻ như vậy nhất định là có vấn đề rồi chứ ở Phan Thiết là nguồn cung cấp thì sao giá trong này lại rẻ hơn ngoài đó được”.

Để tìm hiểu thêm thông tin về cua “khổng lồ” bán trên các vỉa hè, chiều ngày 23/1 trong vai một người mua hàng chúng tôi có mặt tại một số điểm họp chợ ngay trên quốc lộ 1 đoạn qua khu công nghiệp PouYuen (quận Bình Tân).

Tại đây có đến hơn 10 điểm bán cua biển ngay tại lề đường với giá 40.000 - 60.000 đồng/1kg. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành - một người bán cua biển tại khu vực này liên tục mời mọc: “Đây là cua biển em mới nhập tận gốc từ Cà Mau lên còn tươi rói, em bán có 50.000 đồng/1kg nếu anh chị mua nhiều thì em có thể bớt cho. Anh chị yên tâm đây là cua em nhập tận gốc nên không phải lo về khoản an toàn”.

Tuy là giới thiệu cua còn sống, nhưng chúng tôi quan sát trong số cua trên xe đẩy của Thành thì có nhiều con đã chết bắt đầu bốc mùi. Để qua mắt người mua, Thành thường xuyên tưới nước lên số cua này để chúng nom còn tươi ngon.

Theo quan sát của chúng tôi, thì hầu hết người bán cua biển ở đây đều luôn miệng giới thiệu là “cua Cà Mau”, “cua Phan Thiết”...Tuy nhiên khi chúng tôi đặt câu hỏi tại sao nhập cua ở Cà Mau, Phan Thiết nhưng theo các thương lái ở đó cho biết là cua dưới đó đắt hơn từ 3 - 5 lần trên này thì không ai trả lời được.

Để giải thích về tình trạng giá cua biển “siêu rẻ” bày bán trên vỉa hè, chúng tôi đã tìm gặp chị Trần Thị Bích, một tiểu thương kinh doanh hải sản lâu năm tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10). 

Chia sẻ về cua biển “khổng lồ” được bán với giá “siêu rẻ” tại vỉa hè chị Bích cho hay, thời điểm này, cua biển sống loại ngon mua tại Cà Mau khoảng 200.000 – 300.000 đồng/kg. Thực chất cua vỉa hè có giá hấp dẫn nhờ người bán ăn gian về trọng lượng, do mỗi con cua được cột dây cho nặng thêm, cũng có khi là loại cua lột, cua dạt do các chủ ao nuôi dọn ao, bán giá rẻ chỉ 20.000 - 40.000 đồng/kg, chứ không phải cua biển tự nhiên. Hơn nữa hàng ở vỉa hè có giá rẻ ngoài lý do không tốn kém về chi phí thuê mặt bằng để bán, còn vì là nguồn hàng dạt, hàng càng chết lâu, càng ươn thì giá bán càng rẻ.

Ngoài những điểm trên chị Bích còn tiết lộ cho chúng tôi: “Hầu hết chỉ người bán có kinh nghiệm mới biết được hải sản nào là loại nuôi, đâu là loại đã ươn, vì người bán nào cũng có chiêu giữ cho hải sản chết có màu tươi như còn sống, chính điều này làm người mua khó phân biệt được”.

Theo nhận định của nhiều người, thông tin về việc ăn cua biển “khổng lồ” bị ngộ độc không hẳn là không có cơ sở. Bởi tình trạng cua biển không rõ nguồn gốc xuất xứ, chết ươn thối nhiều ngày thường xuyên được các chủ bán hàng “phù phép” lại để bán ra thị trường. Khi người dân không may ăn trúng những con cua biển đã bị chết lâu ngày sẽ dễ dẫn đến bị ngộ độc, đau bụng, nôn ói...

Chị Trần Thị Kiệm (39 tuổi, ngụ phường 2, quận 10) chia sẻ: “Lúc trước tôi có mua cua về ăn một lần, nhìn bên ngoài còn tươi ngon nhưng khi luộc tách ra bên trong đã ươn bốc mùi hôi. Nghĩ là người ta tẩm thứ gì đó để cho cua nhìn bên ngoài còn tươi để lừa người mua. Nếu mình mua phải loại cua đó đem về cho người nhà ăn thì bị ngộ độc là cái chắc”.

Trước tình trạng cua biển và một số loại hải sản bán tràn lan không rõ nguồn gốc tại TP.HCM các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên lựa chọn, tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc xuất xứ trước khi mua về sử dụng. Hơn nữa khi mua tránh mua các loại hải sản như: ghẹ, tôm, cua, ốc... đã chết vì những mặt hàng này để ngoài trời nắng rất dễ bị ươn, khi sử dụng vào dễ có nguy cơ ngộ độc cao. Đặc biệt những người bán hàng ngoài vỉa hè thường bán không cố định, nay đây mai đó nên các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment