Lạ miệng ruốc khô Miền Trung

Trong số các sản vật quý nơi xứ biển miền Trung, bên cạnh mực, chem chép, ốc, tôm... thì không thể quên kể ruốc.


Cứ vào mùa ruốc, các bà nội trợ lại tha hồ chế biến nhiều món ngon hấp dẫn như gỏi ruốc, ruốc nấu canh, mắm ruốc... Những năm ruốc lên rộ, sản lượng đánh bắt nhiều vô kể, lại thêm món ruốc khô.
Lạ miệng món ruốc khô Miền Trung
Ruốc khô Vị Biển (tép khô, tép biển) được đánh bắt và phơi khô tại biển miền Trung có màu sắc đỏ hồng tự nhiên, khác biệt với Ruốc khô tại các vùng biển miền Tây có màu sắc trắng sữa. Ruốc khô giàu chất dinh dưỡng được các cư dân châu Á ưa chuộng, đặc biệt là người Nhật.
Ruốc khô thường được xem là món dân dã, có thể chế biến được nhiều món ngon lại tiện sử dụng, dễ mua, giá rẻ.  Mùa mưa, chỉ cần nồi cơm nóng, đĩa rau luộc bốc khói, thêm đĩa ruốc khô rang thì có lẽ cái lạnh đến tái tê người cũng dường như tan biến.

Muốn làm ruốc khô ngon, trước hết phải biết chọn ruốc. Thường không chọn ruốc màu nâu sậm hoặc hồng nhạt mà phải là ruốc đỏ. Đây là loại ngon nhất, còn ruốc màu nâu sậm là ruốc già, màu nâu hồng nhạt là ruốc non, chất lượng không bằng. Phơi ruốc khô, người ta trải tấm ni lông rồi lấy rổ thưa cho ruốc vào sàng để ruốc rơi xuống tấm ni lông được đều và mỏng. Chỉ cần phơi liên tục vài nắng thì mang vào nhà, để một lát rồi cho vào túi ni lông buộc kín miệng lại để ruốc không hút ẩm. Ruốc khô đúng chuẩn không có mùi tanh, khi thưởng thức ta vẫn cảm nhận được độ tươi ngon của ruốc. 

Ruốc khô có thể dùng nấu canh, xào với rau cải ngọt, củ sắn rất ngon, nhưng đơn giản nhất là món ruốc khô rang sả ớt. Cho ruốc khô vào thau nước lọc, dùng tay khuấy đều để cát lắng xuống. Đổ nước bẩn đi, lặp lại vài lần để ruốc được sạch. Củ sả lột bỏ lớp vỏ ngoài, thái nhỏ. Ruốc sau khi được làm sạch, để lên rổ cho ráo nước. Đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, đổ ruốc, sả vào xào. Nêm vào một thìa nhỏ nước mắm, một thìa nhỏ đường, tùy theo khẩu vị nêm nếm cho phù hợp. Dùng đũa đảo đều để ruốc khô lại. Món ruốc rang ngon và hấp dẫn hơn khi vừa tắt bếp lại nhanh tay cho một ít ớt bột khô. 

Ngoài ra, để đổi món chúng ta có thể dùng ruốc khô chiên với trứng. Ruốc rửa sạch, sau đó vắt ráo. Phi thơm tỏi, cho ruốc vô xào. Chú ý khi xào để lửa nhỏ, nêm ít muối và vài giọt nước mắm. Sau đó cho ruốc ra chén, để hơi nguội rồi trút phần ruốc xào này vào trứng, khuấy đều. Nêm gia vị vừa ăn, cho lên chảo chiên. Chỉ sau vài phút trứng chín, một mùi thơm nồng nàn, quyến rũ của trứng cộng với ruốc lan tỏa cả chái bếp.

Chuyện cào ruốc- hay còn gọi con tép, con khuyết tại miền Trung


    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Post a Comment